Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Yêu quê hương và sự im lặng

Cộng đồng người Việt ở Na Uy có khoảng hơn 20,000 người. Nếu tính so với dân số của nước này là 5 triệu người, thì vào khoảng 0,4 %. Nếu so với dân số nước mình, thì chỉ còn khoảng 0,022 %. Với con số nhỏ như thế, chắc ai cũng chặc lưỡi hỏi chị Đá, thế ở Oslo có gặp nhiều người Việt mình không. Dạ xin thưa, không những có mà còn rất nhiều nữa. Rồi lại hỏi, gặp người Việt mình có thấy vui không? Dạ xin thưa, không những vui mà còn rất buồn nữa ạ!

Ủa, sao kỳ vậy? Vui ở đây là mình gặp họ, mình nói tiếng Việt với họ, mình thấy vui vì cũng có người mình ở cái xứ lạnh giá này. Rồi có người Việt thì mới có món ăn Việt, mới có nước mắm, tôm chua ở cửa hàng để lâu lâu buồn miệng, ngồi nhớ món ngon quê nhà thì lại thong dong ra những cửa hàng Á châu kiếm hương liệu về nấu nấu, nướng nướng cho ra hương vị quê mình. Buồn ở đây là sự thờ ơ ẩn giấu sau những nụ cười kiểu cách, nhe răng nhưng chẳng có chút thân thiện nào, mỗi lần xuống phố nhận ra nhau là người Việt. Vì ai cũng hiểu, đối diện với mình là một người Việt, mà đã là người Việt ở Oslo thì ôi thôi, sông sâu khó dò. Chỉ có sự im lặng lấp trống khoảng sâu xa xăm...

Một tuần làm việc ở một cửa hàng có cái tên cũng rất Việt Nam "Viet - Thai Mat", chị Đá mới có dịp được hiểu một phần cái sự im lặng đầy ẩn ý đó. Nếu có ai thắc mắc về cái tên, thì xin thưa ''mat" đây là tiếng bản xứ ý chỉ "food", ra tiếng Việt mình thì có nghĩa là "thức ăn". Vậy nếu ở Việt Nam mình có thức ăn con Cò, thì ở đây cũng có thức ăn Việt-Thái. Cửa hàng chỉ có một chủ cửa hàng người Việt kiêm thu ngân và một anh nhân viên chính thức kiêm nhiệm nhiều thứ, cũng là người Việt. Để tiết kiệm và để công việc được trôi chảy, chủ cửa hàng thường xuyên mướn thu ngân theo giờ, là những chị nội trợ ở Oslo này. Khi mướn người như vậy, chủ hàng không những trốn được thuế, mà còn có cơ hội để sử dụng lao động không có bất cứ ràng buộc hay sức ép gì từ phía chính phủ về nghĩa vụ đối với lao động như ngày lễ lạt, nghỉ đau ốm hay bảo hiểm y tế. Thế là những người nội trợ nhẹ dạ cả tin cứ tưởng mình không phải trả mấy đồng tiền thuế cho chính phủ mà không ngờ mình bị bóc lột sức lao động một cách bất hợp pháp. Chẳng hạn như phải làm thêm giờ mà không được trả tiền vượt giờ, hoặc bị trừ tiền nghỉ ăn trưa vào tổng số tiền lương cuối kỳ nhận được, trong khi có qui định là lao động được nghỉ nửa tiếng đồng hồ để ăn trưa và người sử dụng lao động phải trả lương cho cả thời gian này. Lương tối thiểu ngầm hiểu, không theo luật định, ở khu vực Oslo là 90 Kr. một giờ (trước khi trừ thuế). Mình đã chấp nhận làm mức lương đó với điều kiện chị chủ cửa hàng phải đóng thuế cho mình. Chị ấy cứ lần lữa ký hợp đồng với mình (có hợp đồng mình mới có thể đóng thuế được), cứ nói để tháng sau rồi chị ký. Mình chờ mãi nóng ruột nên muốn nghỉ. Thế là chị ấy chỉ trả cho mình 60 Kr. một giờ cho thời gian đã làm, bảo chị phải đóng thuế 23 % cho em nữa (từ mức 90 Kr. đã hứa ban đầu). Nhưng chị lấy đâu ra hợp đồng lao động để đóng thuế cho em?

Tự hỏi khi nhận ra mình bị bóc lột sức lao động như vậy, sao không đi đến đồn cảnh sát địa phương mà báo cáo, lại để đến một năm sau mới đăng bài viết này? Chiều nay ngồi ngẫm nghĩ nghiệm ra được một điều: mình không đủ can đảm để làm điều đó! Cũng như mình không có đủ can đảm để nói thẳng với những chị bạn thân ở đây là các chị đang bị bóc lột bởi chính đồng hương của mình. Cách tốt nhất để được nhận một mức lương xứng đáng hơn (chứ không phải là bán sức lao động khi còn trẻ để có tiền dưỡng bệnh khi về già) là hành động tập thể: từ chối không làm việc nếu chủ không đóng thuế cho mình. Khổ nỗi, nếu từ chối thì lấy đâu ra tiền đi chợ vào cuối tuần, lấy đâu ra tiền thuốc bổ cho mẹ già ở quê, lấy đâu ra tiền nhà trẻ để gởi con ngoài giờ ở trường...? Vả lại mình không làm thì có ngay người khác thế chỗ ngay. Dân lao động thời vụ kinh niên ở Ba Lan, Estonia và những nơi khác mới bộc phát như Tây Ban Nha, Ý... đổ về cái thành phố nhỏ bé này thiếu gì. Đó là chưa kể đến những đồng hương vừa qua thăm bà con vừa đi làm chui. Vì thế mà mình không thể cất lên được lời nào, cứ lặng lẽ, lặng lẽ từ chối những mối giới thiệu làm thêm vào dịp hè. Dù mình biết rằng các anh, các chị lo cho tình hình tài chính đi vay để học của mình. Ngẫm nghĩ ra, hệ thống kiểm soát luật định ở nước nào cũng có kẻ hở cả. Đáng trách là một số người, với cái mộng luôn muốn vươn lên để trở thành tiểu chủ, lúc nào cũng có thể tìm ra được những kẻ hở đó để bóc lột chính đồng hương của mình. Phải chi được như người Nhật, hay cả người Hoa, thỉnh thoảng có những hiệp hội, hội quán để bảo trợ và bảo vệ đồng hương thì tình hình có thể được cải thiện phần nào.

Nói là để tâm sự vậy thôi, vì chủ đề này khó có thể có lời kết. Mình vẫn rất vui khi đã dần xây dựng được một số tình bạn và tình chị em ở nơi xa xứ. Lâu lâu có dịp lại tụ tập cuốn bánh tráng và tám chuyện tới bến. Còn thì em vẫn yêu quê hương lắm lắm!

Oslo ngày 11 tháng 07 năm 2012





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét